Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Điệu múa đoa phụ trong hồn thiêng Tháp Bà


Với tôi, Nha Trang - Khánh Hòa đẹp không phải bởi biển xanh, cát trắng mà đẹp từ trong những điều xa xưa của điệu múa đoa phụ (đội nước) của tháp Chăm hằn in dấu thời gian.
Lắng đọng trong hồn Tháp xưa
“Anh về Bình Định thăm cha,
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em”.

Những câu ca dao ấy cứ văng vẳng bên tai khi tôi đang trên chuyến xe từ Đà Nẵng đến với vùng đất Khánh Hòa. Ngày trước, tôi nghe được những câu ca này khi cô giáo tôi giảng về quá trình Nam tiến của người Việt ta xưa. Trải qua thời gian, vùng đất Khánh Hòa được hình thành từ đó. Nói đến Khánh Hòa nhiều người nghĩ ngay đến một thành phố biển, nơi có bờ biển dài hơn 200km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh… Thế nhưng đối với tôi, cái trong xanh, cái bao la của biển, đảo không có “ma lực” nào để cuốn hút được tôi; tôi lại bị “tiếng sét” trong lần đầu “chạm mặt” với cái hồn thiêng nơi Tháp Chăm mà nhiều người dân ở đây vẫn hay gọi Tháp Bà Ponagar hay Thiên Y Thánh Mẫu.
 http://khanhhoa.gov.vn/Resources/Images/Danh%20cho%20du%20khach/BaivietveNhaTrang/Thap_Ba.JPG
Tháp Bà.
Lắng nghe những chia sẻ từ anh hướng dẫn viên, tôi được biết, Tháp Bà Ponagar cách trung tâm chưa đầy hai cây số, nằm nép mình bên dòng sông Cái xinh đẹp, sát bên cầu Xóm Bóng. Tháp được xây dựng trên một quả đồi đá hoa cương, cao trên 10m so với mặt nước biển, ở  làng Cù Lao thuộc địa phận phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Quả đồi này nằm ở phía Bắc cửa sông Cái (xưa gọi là cửa biển Cù Huân), bên trái có một xóm Chài, gọi là xóm Bóng - tương truyền đây là nơi đào tạo các thiếu nữ múa điệu bóng vào những ngày tế lễ trên Tháp Bà.
Tôi tò mò lẫn háo hức về điệu múa bóng, về các trinh nữ ở nơi đây. Thế nhưng tiếc là đó chỉ còn là một kí ức xưa, chẳng còn để tôi có dịp chiêm ngưỡng. Bởi tôi thích thú lắm khi nghe giải thích rằng múa bóng là một trong những điệu múa đặc sắc của người Chăm, dành cho các trinh nữ biểu diễn để tế lễ Bà. Những cô gái trinh nữ mặc những chiếc váy, xiêm y lộng lẫy sắc màu, trên đầu đội một cái tháp hoa, được kết bằng nhiều loại hoa, lồng đèn ngũ sắc. Vũ nữ múa theo điệu đàn, điệu trống nhịp nhàng dưới ánh đuốc, ánh đèn lộng lẫy. Họ múa rất khéo và rất tài. Điều đặc biệt là chẳng những đôi tay, đôi chân luôn cử động vừa dẻo vừa mềm, mà đầu và thân cũng luôn ngửa nghiêng uốn éo theo bước chân, nhịp tay, rộn ràng đều đặn, thế mà đèn và hoa đội trên đầu, không vịn không đỡ mà cũng không hề lay, không hề dịch. Cảnh tượng vô cùng ngoạn mục. Và chính vì lẽ đó mà đối với người Chăm ở đây, điệu múa bóng được xem như điệu múa tâm linh.
 http://khanhhoa.gov.vn/Resources/Images/Danh%20cho%20du%20khach/BaivietveNhaTrang/Doc_len_thap_ba.JPG
Dốc lên Tháp Bà dựng đứng.
 
Điều tôi thích thú nơi đây còn là cái tổng thể kiến trúc của Tháp Bà. Nó cũng mang đặc thù giống như những công trình tháp Chăm khác ở kỹ thuật xây dựng, với không một chất kết dính. Thế nhưng cái tôi thích là nó không quá “hoành tráng” đến độ khó hiểu như ở công trình Chăm ở Mỹ Sơn; nó cũng không quá sơ sài đến độ chưa kịp ngắm - nghĩ thì đã hết như Tháp Đôi. Rồi cả những bậc thang lên tháp chính, nơi mà xưa kia, người ta dâng lễ thường lên đường này, nhưng điều lạ là những bậc thang ấy được xây với độ chênh, dốc khá lớn, bước lên thì dễ nhưng bước xuống thì khó. Một “triết lí” được thể hiện thông qua một “tiểu công trình” đó chính là sự tôn kính tối đa của nhân dân đối với Bà. Bởi khi lên dâng lễ xong, người ta sẽ không quay lưng lại Tháp bà để đi xuống, mà phải đi ngược, nghĩa là mặt vẫn hướng về Tháp Bà và chân thì lần xuống từng bậc thang. Một sự tôn kính tuyệt đối ở đây. Vì thế mà tôi rất thích nơi đây, bởi tôi “khoái” với những gì dù nhỏ nhoi thôi nhưng phải đạt đến sự tuyệt đối, đừng nữa vời.
Trầm mình trong điệu múa đoa phụ
Rời những công trình tháp kiên cố, tôi lại được say sưa nghe - nhìn - cảm nhận bằng con tim và cả khối óc với những giai điệu mang đậm hơi thở của người Chăm xưa tại đây. Dường như tất cả mọi giác quan đều chìm đắm khi chiêm ngưỡng những cô gái Chăm say sưa trong điệu múa đoa phụ, một điệu múa nổi tiếng khác của người Chăm, những cô gái với làn da rám nắng của gió biển, trong những bộ váy màu tím nhạc, đội trên đầu những chiếc bình và múa trên nền nhạc của tiếng kèn Saranai, tiếng trống Paranưng. Từng động tác tay, chân của các vũ nữ đều như những lời thủ thỉ đầy “gọi mời” với người khách phương xa như tôi. 
Dẫu biết rằng thời gian sẽ trôi đi nhưng cứ vào ngày Bà thăng thiên (tức 23/3 âm lịch) đều vẫn có tổ chức lễ múa, dâng hoa rất long trọng. Trong những ngày này, cả người Chăm và người Việt cùng tổ chức và tiến hành các nghi lễ truyền thống của dân tộc mình một cách trang trọng, còn phần hội thì cả hai dân tộc cùng chung vui chơi với nhau, cùng nhau khoe tài qua các bài ca, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa tộc người trong một không khí hòa bình, thân ái và đầy tình đoàn kết.
Bài và ảnh: HUỲNH LÊ ĐỨC HỢ

http://khanhhoa.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét